Kiến Thức Hi-Fi

Mua nhạc online ưu việt hơn mua CD

Cập nhật ngày: 29.12.2013, Lượt xem: 2678

TT - Một bài báo trên Los Angeles Times cho biết trong năm 2007, có đến 48% giới teen Mỹ không mua bất kỳ một đĩa CD nào, tăng đáng kể so với con số 38% trong năm 2006.

Nghiên cứu của nhóm NPD thì trong năm 2006 có thêm khoảng 1 triệu người ngừng mua đĩa CD.

Trong khi số lượng đĩa CD bán ra giảm đến 19% thì ngược lại số bài nhạc số được mua từ các trang web hợp pháp tăng 45%. Số người chuyển sang sử dụng nhạc số cũng tăng cao. Nếu như trong năm 2006 chỉ có 24 triệu người mua nhạc số thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên 29 triệu người.

Trào lưu sử dụng nhạc online đang dần cuốn lớp trẻ đi theo. Mallory Portillo, nhân viên bán hàng 24 tuổi tại Santa Monica (Mỹ), kể trong năm năm qua cô không hề mua bất cứ đĩa CD nào, thay vào đó mỗi tháng cô bỏ ra khoảng 100 USD để mua nhạc online.

Hunter Conrad, một nữ sinh trung học 14 tuổi, cho biết 80% trong tổng số 2.600 bài hát hiện có trong máy tính của cô được mua từ website iTunes. Conrad cho biết: "Bạn phải tới tiệm đĩa rồi phải trả tiền, hiện giờ hình như giá một CD khoảng 12 USD, rồi sau đó lại phải chuyển vào máy tính. Trong khi nếu mua nhạc online thì chỉ cần ngồi một chỗ và bài hát có ngay trong máy". Ba lý do để down nhạc từ website đó là: tiện lợi, rẻ tiền và chỉ mua những bài hát ưa thích thay vì toàn bộ CD.

 

150.000 USD mỗi bài hát

Liên đoàn Ghi âm của Mỹ lại đề xuất tăng mức phạt với các hành vi cố tình vi phạm bản quyền mức cao nhất từ 150.000 USD mỗi CD lên thành 150.000 USD mỗi bài hát. Thế nhưng liệu số tiền này có đến được tay những tác giả? Như trong vụ kiện nổi tiếng tại Mỹ khi các hãng EMI, Universal và Warner thắng website Napster 270 triệu USD. Nhưng các nghệ sĩ đang quay qua đòi kiện các hãng này vì đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền từ vụ kiện.

Mới đây nhất, Hiệp hội Nhạc sĩ Canada đã kiến nghị với chính phủ mặc định cộng thêm vào hóa đơn Internet của mỗi hộ gia đình 5 USD mỗi tháng. Các nhạc sĩ cho biết số tiền này là để người sử dụng có thể download thoải mái tất cả các bài nhạc từ bất cứ nguồn lậu nào. Theo họ, 5 USD để download thoải mái từ các nguồn lậu là quá rẻ so với bỏ ra 10 USD để download một CD từ iTunes.

Trước xu thế này, Cục Phân tích công nghiệp toàn cầu dự báo thị trường âm nhạc trực tuyến vào năm 2010 sẽ đem về doanh số lên đến 8,9 tỉ USD. Lợi nhuận đem lại là rất lớn nhưng những khó khăn mà các trang web bán nhạc đang đối mặt cũng rất lớn. Họ phải đáp ứng được giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, bị các hãng đĩa yêu sách và quan trọng nhất là đối mặt với các trang web cho phép download lậu nhạc.

Trả giá cho nhạc "lậu"

Trong năm 2007, công nghiệp âm nhạc đã thực hiện nhiều vụ kiện đối với những người download lậu và chia sẻ nhạc. Theo một khảo sát, có người trong năm 2007 đã up lên mạng tổng cộng 3.000 bài hát "lậu".

Vụ thắng kiện lớn nhất diễn ra vào tháng 10-2007 khi Jammie Thomas, một bà mẹ có hai con nhỏ, bị phạt 9.250 USD cho mỗi bài hát chia sẻ bất hợp pháp. Tổng cộng Thomas đã chia sẻ 24 bài và tổng số tiền phạt lên đến 222.000 USD.

Các cỗ máy tìm kiếm nhạc dẫn đến và cho download từ các trang web nhạc bất hợp pháp cũng hứng chịu những vụ kiện. Điển hình là trang Tagoo của Nga. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm thế giới (IFPI) nói sẽ vào cuộc để kiện Tagoo vì vi phạm thô bạo bản quyền.

Chỉ mới tuần trước, vụ website tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc baidu.com bị một nhóm thuộc hiệp hội công nghiệp âm nhạc địa phương kiện vì vi phạm bản quyền đang gây xôn xao. Hội Bản quyền âm nhạc Trung Quốc kết tội trang baidu "cho phép nghe nhạc, cung cấp các dịch vụ download dưới các hình thức khác nhau từ website của mình mà không được phép, thông qua đó kiếm lợi từ các nguồn thu quảng cáo khổng lồ". Hội cũng cho biết đã gửi hồ sơ đến tòa án Bắc Kinh kiện baidu.com đã vi phạm bản quyền 50 bài hát. Hồi đầu tháng này, IFPI cũng đã thu thập rất nhiều chứng cứ để kiện baidu.com.

CHU YÊN tổng hợp